Tiến sỹ THÍCH THIỆN MỸ

Tiến sỹ THÍCH THIỆN MỸ 560/TA- Ấp Tân An-Xã Tân Thành Huyện Lai Vung – Đồng Tháp DD: 0939.826271, 0975.865463 Email : thienmy.thich@gmail.com

Monday, May 7, 2007

xóm Quýt



Tháng chạp, quýt to bằng nắm tay trẻ nhỏ, da bóng lưỡng như ướt mỡ. Khi ấy gió dịu , trời ửng hồng sáng trong, nắng mới cũng vừa soi ấm vô vàn chùm quýt loà xòa, đung đưa… Đến giữa tháng, quýt chín đỏ vườn…”


Đoạn văn trên tôi tả cảnh quê mình khi còn ngồi học lớp 5, mãi đến hôm nay vẫn còn in trong trí…

***
Quê nội , nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, vỏn vẹn hơn 20 hộ , nằm rải rác hai bên bờ một nhánh sông nhỏ thuộc dòng nước Hậu Giang hiền hoà. Chốn ấy từ bao đời có tiếng vì giống quýt hồng thơm ngọt. Nhờ lẽ đó miền đất được người dân quen gọi bằng cái tên mộc mạc: xóm Quýt, dù đất đã có một tên khác khá thơ mộng: Yên Hạ .

Năm ấy, khi cha tôi làm ăn thua lỗ, cha như người dại; còn mẹ tôi ngồi đâu dáng cũng thẫn thờ. Cuối mùa nước nổi cha phải bán nhà để trả nợ. Ông nội lụm cụm theo chú Tám từ dưới Cần Thơ lên bàn bạc, dẫn dắt gia đình tôi về lại quê hương. Với số tiền ít ỏi còn lại , cha chỉ đủ mua hơn 2 công vườn quýt, cả nhà tôi đành ở tạm trong kho chứa củi của ông .

Tôi nhớ mãi buổi sáng hôm đó. Trời vừa bửng mắt, chú Tư đầu xóm cùng đứa cháu hè hụi vác đến mấy cây tre to, dài sọc . Chưa kịp lau mồ hôi, chú gọi vọng: “Sáu ơi, tao đem cho mấy cây tre đây …”. Cảm động xiết bao khi thím Bảy ở tận Bà Vèn cũng bơi xuồng đem lại hơn hai trăm lá (còn gọi là "lá chằm" là lá dừa nước đã kết thành mảnh to để lợp nhà ở vùng đồng bằng sông Cửu Long). Còn chị Phương qua làm quen tôi bằng mấy bó lạt vừng … Vậy đó, người góp công , người giúp của . Và ngày cha mẹ tôi dựng nhà, chòm xóm thân sơ đến dùm gíup thật đông. Không chỉ có vậy, nghe theo lời chú út Võ Tòng: “Làm nghĩa phải cho trót… ’’, liên tiếp nhiều ngày sau, bà con tạm gác việc nhà đến làm cỏ, be bờ ; tận tình chỉ vẽ cách bón phân, chiết nhánh… Sau này, gia đình tôi còn chịu ơn nhiều tấm lòng đáng qúi khác, như thím Tư chia sẻ cặp heo giống, chị hai Liên dạy cho chị tôi nghề dệt chiếu bông …


Tôi cũng không quên được đêm giao thừa năm ấy. Tiết trời lành lạnh, nhà nhà đỏ lửa, mùi bánh tét, bánh phồng tỏa ngát xóm thôn. Nhờ tiền bán quýt, sau khi trang trải một phần nợ, mẹ tằn tiện lo được nồi thịt kho rệu, sắm cho chị em tôi mỗi người một bộ áo quần. Chú Chín, bạn thân thiết của cha, sai con mang đến biếu một rổ bánh ít còn bốc khói. Bác Giáo cũng đem qua chè xôi, hai lít rượu nếp cẩm thơm để cúng ông bà. Còn đám trẻ mặt mày ai nấy đều hớn hở, xênh xang với áo màu , dép mới rủ tôi lên đình xem Hội… Đã lâu, tôi vẫn như còn thấy sắc mai vàng, quýt đỏ khoe tươi; đôi má chị ửng hồng, mắt cha mẹ ánh trong và dòng sông nhỏ chảy thầm thì kia cũng ấm…

Lại có những đêm sân nhà ngập ánh trăng, hương hoa quýt thơm lừng. Các người thân hiểu gia đình tôi vừa gặp chuyện không may, nên thường kéo nhau đến ngồi trước sân, đàn ca rôm rả. Già trẻ, gái trai trong xóm cũng xúm xít góp vui. Lẫn tiếng đàn cò, kìm , sáo, nhị là giọng ca mộc mạc, vụng về … vậy mà vẫn có sức quyến rũ lạ …


Và cũng thật xốn xang, khác với bạn bè trên phố phường, các bạn nơi xóm Quýt như Tí Cộc, 14 tuổi, chưa học xong lớp 4; Nghĩa Đen còn ễnh bụng tuyên bố: “ Làm cỏ mướn có tiền, đi học chẳng có xu nào! ’’. Đổi lại , các bạn ấy nói vanh vách từng loại chim: thằng chài, chích choè, thầy bói…; tháng nào mù u trổ bông, cá lên đồng, xiết nước lúc nào cho quýt chín kịp tết...



Ngày trước làm văn, tôi hay ca ngợi thú vui nơi thôn dã, như trẻ thơ được mặc sức đùa giỡn, lặn hụp trên sông; được thi nhau vớt trái mù u để lấy dầu thắp sáng hoặc nhồi đất sét nặn voi, nắn ngựa… Sống lâu miệt đồng, tôi mới hiểu mọi chuyện không hoàn toàn như vậy. Sau giờ học các bạn ấy còn phải đi giăng câu, vớt bèo nuôi vịt hoặc làm cỏ, tưới cây… nghĩa là phải lem lấm, phải đổ mồ hôi để có thêm cái ăn, cái mặc, gánh vác tiếp mẹ cha mà phần lớn đều đông con, nghèo và ít hiểu biế …

…Sống nơi quê nội vui buồn như thế mấy năm, cậu Tám sắm được xe, mời cha tôi lên phụ giúp. Gia đình lại dắt díu nhau đi. Đêm trước khi xa quê, tôi lặng lẽ khóc, tuy lòng hé vui vì biết mẹ cha và chị sẽ vơi bớt nỗi nhọc nhằn. Nhưng không bùi ngùi sao được khi tôi phải xa ông bà nội, mặc dù tuổi cao vẫn hết lòng lo lắng, yêu thương con cháu; xa bà con xóm Quýt nghèo tiền nhưng giàu chữ nghĩa nhơn. Nhất là phải xa đám bạn bè hôi như cú mà thật thà như đấ , xa vuông vườn tuổi thơ bé nhỏ đã cho gia đình tôi không biết bao nhiêu là hoa trái ngọt lành …

***


vuonquyt2.jpg
Tưới quýt
Tết này tôi mới có dịp về thăm xóm Quýt, quê xa. Thăm lại ông bà cùng bao người ơn đã giang tay đùm bọc gia đình tôi suốt một thời khốn khó. Tuy trên gương mặt, nếp nhăn có nhiều theo năm tháng; nhưng qua ánh mắt tôi hiểu tấm lòng bà con vẫn đôn hậu như xưa. Tôi chỉ buồn, khi nhịp sống nơi thành thị ngày một sôi nổi, đi lên; những cảnh đời chốn vùng sâu chưa đổi thay mấy. Vẫn nhiều những mái nhà tol, lá … nóng bức, ẩm thấp với mớ đồ đạc cũ kỹ. Vẫn là thứ ánh sáng qua nhiều trung gian, le lói buồn thiu… Tôi nghe đâu mấy năm trước quýt được mùa, được giá ; nhiều hộ đã sắm được xe gắn máy, tivi…Mấy năm gần đây chén cơm của họ khá bấp bênh, do nguồn nước tưới bị ô nhiễm; giá thuốc sâu, phân bón vùn vụt tăng cao và sâu “vẽ bùa” kháng thuốc nên chồi lá cứ vàng úa, quăn queo, hoa trổ rồi lại rụng, lũ kiến vàng lũ lượt bỏ đi. Đến khi vào mùa vụ thì quýt hồng không sao cạnh tranh nổi với lê, táo nhập nên giá rẻ như bèo, như cho…

Tôi cũng dành nhiều thì giờ đi thăm hỏi bạn bè. Gặp lại nhau, ai nấy đều nửa mừng, nửa tủi. Sáu Đèo, Khách , Bích; con nhà kha khá còn được học. Số đông bạn đành chịu dở dang về lam lũ với ruộng vườn. Thương Tí Cộc, Tâm Hô theo cha chú làm phụ hồ tận Sông Bé, ngày tết vẫn không về được .

Đêm đó, tôi ngồi bên nội cùng canh lửa cho nồi bánh nếp lá dừa, nghe bà kể chuyện người, chuyện đất… Về giống quýt hồng nhờ ai mà có, về bao nổi gian lao của cha ông thuở mở đất, khai nguồn. Bà cũng phiền trách mấy đứa con của thím Sáu không chịu làm gì, chỉ ham mê rượu chè, đàn đúm ngày đêm cứ tơ tưởng số tiền đất sẽ được bồi hoàn. Tôi nghe mà lòng chạnh xót xa. Chợt nhớ lại ánh trăng đêm nào cùng lời ca cũ: “

Đất như người mẹ hiền tần tảo , vắt kiệt sức mình nuôi lớn các con …” Và cũng đêm đó tôi mơ thấy những đoàn tàu chở đầy quýt đỏ, những áo màu dự lễ hội kỳ yên, nghe lại giọng hát hò trên cánh đồng lúa mới và tiếng chị tôi reo vui khi đàn kiến trở về ….

Lẽ ra, tôi không nên viết thêm những câu buồn bã vào cuối mẩu chuyện này. Không hiểu sao có những chiều như hôm nay, lẫn trong những kỷ niệm êm đềm nơi xóm Quýt, hình bóng chị Phương thân thiết lại cứ hiện về. Nhớ mà đau, cha chị mất sớm; rồi vì mẹ vì em, chị bằng lòng lấy chồng người Đài loan cao tuổi và nghe đâu phải lâm cảnh đắng cay, mặn nhạt ở xứ người… Những ngày nơi xóm Quýt xưa kia, chiều nào chị cũng sang nhà rủ tôi đi quét lá quýt khô để dành nhóm bếp. Có lẽ chiều nay chị âm thầm ngồi đâu đó một mình, nhớ mẹ nhớ quê, nhớ cả khói lên trời …

http://nguoivienxu.vietnamnet.vn/tanman/2007/05/691208/

nông sản phẩm khủng hoảng thừa, dội chợ, giá rớt thê thảm.



Dù VN đã chính thức gia nhập WTO, nhưng trạng thái chung của nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng như nông dân cả nước là không được đào tạo nghề, thiếu kiến thức, dẫn đến những hệ quả như nông sản phẩm khủng hoảng thừa, dội chợ, giá rớt thê thảm.



Cau_khi.jpg
Mỗi xã, huyện, tỉnh, thành phải có những vùng sản xuất, gắn kết với chế biến, tiêu thụ trong và ngoài nước



GS.TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang nhận định: “Ở nhiều nước, nông dân được đào tạo bài bản, được cấp bằng hẳn hoi mới “trở thành” nông dân. Còn ở ĐBSCL, hầu như nông dân là đối tượng chưa được học nghề nhiều nhất”. Đó là nhược điểm lớn nhất của nông dân ĐBSCL khi VN đã gia nhập WTO.Hậu gia nhập WTO: Bức xúc chuyện nông dân học nghề.



Còn PGS. Đào Công Tiến - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM thì chỉ ra “nghịch lý đang cản trở phát triển của ĐBSCL”: Trong khi cả vùng đóng góp 17% GDP, 92% sản lượng lương thực, 66% sản lượng thủy sản của cả nước thì vẫn còn khoảng 10% dân số mù chữ và tái mù chữ, 80% người lao động chưa qua đào tạo”. Con số 80% người lao động chưa qua đào tạo nghề ấy theo nhận định của nhiều nhà khoa học, quản lý, tập trung ở những người nông dân chân lấm tay bùn. Đó là một nghịch lý, dù khó chấp nhận nhưng đã diễn ra nhiều năm qua.



Đầu tháng 3/2007, UBND tỉnh Hậu Giang có chỉ thị cấm xuống giống vụ lúa xuân hè trên phạm vi toàn tỉnh. Thế nhưng, nhiều nông dân vẫn xuống giống.



Gần đây, nhiều người đổ xô mua đất nuôi cá tra, cá ba sa trong khi một số ít nông dân lành nghề đã để ao trống, ngưng nuôi cá. Nhận định về hướng đi “trái chiều” này, một “đại gia” trong làng XK cá tra, ba sa ở ĐBSCL cho rằng “ngưng nuôi cá tra, cá ba sa hiện nay là sự lựa chọn tinh khôn”. Tại sao tinh khôn? Các chuyên gia đều chung nhận định: Giá cá tra, cá ba sa sẽ rớt trong thời gian tới. Nguyên nhân chủ yếu là do vùng nguyên liệu phát triển ồ ạt như hiện nay sẽ dẫn đến khủng hoảng thừa. Chu kỳ này đã lặp đi, lặp lại trong 5 năm qua.



Khi tiếp xúc với nhiều nông dân sản xuất giỏi ở ĐBSCL thì thấy một “kinh nghiệm” khá thú vị: Báo, đài đăng cây, con gì có giá thì tốt nhất nông dân đừng nuôi, trồng; mà chọn cây, con gì đang rớt giá để nuôi trồng là chắc ăn! Cái “kinh nghiệm” tréo ngoe này đặt trong bối cảnh sản xuất kiểu “ăn xổi, ở thì” của nhiều địa phương vùng ĐBSCL xem ra không phải không có lý. Điệp khúc “bỏ lúa, lên liếp trồng mía” hoặc bỏ mía nuôi tôm... đã kéo dài trong 2 thập niên qua ở ĐBSCL. Thế nhưng rất nhiều nông dân vẫn chạy “theo đuôi thị trường”. Thấy cây, con gì có giá là nhiều người ùn ùn nhau tìm giống nuôi trồng. Hậu quả là khủng hoảng thừa, dội chợ, giá rớt thê thảm.



muaquyt.jpg
Miệt vườn
Nếu nông dân được đào tạo dạy nghề bài bản, họ sẽ không “xé rào” xuống giống lúa xuân hè! Vì họ sẽ biết được lúa xuân hè là “môi trường béo bở” để rầy nâu và bệnh VL-LXL tiếp tục hoành hành. Được học nghề, họ sẽ biết trồng mía, nuôi tôm sú rải vụ, không dẫn đến khủng hoảng thừa cục bộ để rồi “ôm hận” như hiện nay! Được học nghề, họ cũng sẽ ý thức được mối liên kết sản xuất, gắn với các tổ chức nghề nghiệp... Nhu cầu liên kết sản xuất, buôn bán của nông dân ở ĐBSCL là có thật và ngày càng lớn. Nhưng hầu như chưa địa phương nào đáp ứng nhu cầu này.



Bên cạnh đó, nhu cầu thông tin giá cả, thị trường, hỗ trợ bán hàng, công nghệ bảo quản, đóng gói bao bì.... của nhiều nông dân cũng đang ngày càng tăng nhưng chưa được đáp ứng đầy đủ hoặc chưa được quan tâm. Có thể nói, thiếu kiến thức, thiếu thông tin, lo lắng, loay hoay, lúng túng… đang là trạng thái chung của nhiều nông dân khi VN đã là thành viên của WTO.



GS.TS Võ Tòng Xuân đưa ra một so sánh: Giá 1 tấn đậu nành Mỹ nhập vào VN chỉ bán 2,2 triệu đồng, trong khi giá thành sản xuất trong nước gần 6,5 triệu đồng; bắp Mỹ nhập khẩu 164 USD /tấn nhưng bắp VN tới 4,5 triệu đồng/tấn, chênh nhau cả triệu đồng/tấn. Phải sản xuất qui mô tập trung với kỹ thuật cao mới tạo ra sức cạnh tranh có hiệu quả cho nông sản VN. Nhiều chuyên gia cảnh báo: Không đưa ra được giải pháp để có hàng nông sản chất lượng cao thì khó cạnh tranh khi hàng nông sản ngoài tràn vào. Chất lượng nông sản là một thách thức lớn đối với nông dân trong thời gian tới.



Tiến sĩ Võ Mai - Chủ tịch Hiệp hội Trái cây VN nhận định: Gia nhập WTO, cánh cửa về kinh tế giữa nước ta và thế giới đã mở. Cửa mở, rau quả các nước nhập khẩu vào nước ta ngày càng nhiều, liệu rau quả chúng ta có đủ để cung ứng cho thị trường các nước đáp ứng về số lượng, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm không? Vấn đề hiện nay là làm sao tổ chức sản xuất qui mô lớn, số lượng rau quả nhiều, chất lượng tốt, an toàn và giá cạnh tranh. Một số nước EU băn khoăn, lo các doanh nghiệp VN cung ứng hàng không đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của họ, chưa đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh theo tiêu chuẩn châu Âu.



Nhược điểm lớn nhất của ngành sản xuất rau quả Việt Nam hiện nay là manh mún. Vùng ĐBSCL là trọng điểm sản xuất trái cây, nhưng do diện tích vườn của mỗi hộ đều nhỏ lẻ, trung bình chỉ từ 0,5-1 ha/hộ, phần lớn nông dân canh tác theo thói quen thích cây trái gì trồng cây trái nấy. Hệ quả của tình trạng này là khi cần một số lượng lớn rau củ, trái cây phục vụ xuất khẩu với thị trường ổn định chúng ta sẽ gặp khó.



Tiến sĩ Võ Mai đề xuất: Mỗi xã, huyện, tỉnh, thành phải có những vùng sản xuất, gắn kết với chế biến, tiêu thụ trong và ngoài nước. Thái Lan là một nước nông nghiệp có những đặc điểm tương tự như ta, tại sao từ cây ngò rí, rau thơm, cà chua và rau quả các loại họ đã tổ chức sản xuất và phân phối hầu khắp các thị trường châu Âu và Mỹ? Phải học cung cách làm ăn của các nước. Cũng tương tự như mình, người ta làm được, làm hay là mình phải học hỏi.



Theo Báo Cần Thơ
http://nguoivienxu.vietnamnet.vn/kinhtetrongnuoc/2007/05/691210/

Đồng Tháp: khuyến khích nông dân dùng máy gặt đập



Đồng Tháp: khuyến khích nông dân dùng máy gặt đập - 7/5/2007 1h:11

Từ tình hình khan hiếm nhân công gặt lúa, ngành nông nghiệp Đồng Tháp đã hỗ trợ nông dân tìm kiếm, sản xuất các loại máy gặt xếp dãy, máy gặt xếp dãy phối hợp với máy gom lúa, máy gặt đập liên hợp.

Đồng Tháp đã tổ chức nhiều cuộc tham quan, thao diễn máy gặt lúa xếp dãy, máy gặt đập liên hợp cho nông dân.

Hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có 45 máy gặt đập liên hợp và 485 máy gặt xếp dãy. Lượng máy gặt lúa trên phần nào hỗ trợ nông dân giảm bớt khó khăn trong khâu thu hoạch hiện nay, nhất là khi áp dụng biện pháp xuống giống tập trung, đồng loạt để né rầy nâu, hạn chế bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá lúa.

Biểu diễn máy gặt đập liên hợp cho nông dân Đồng Tháp
(Ảnh: TTO)

B.LOAN
http://www.khoahoc.com.vn/view.asp?Cat_ID=10&Cat_Sub_ID=0&news_id=14745