Tiến sỹ THÍCH THIỆN MỸ

Tiến sỹ THÍCH THIỆN MỸ 560/TA- Ấp Tân An-Xã Tân Thành Huyện Lai Vung – Đồng Tháp DD: 0939.826271, 0975.865463 Email : thienmy.thich@gmail.com

Monday, May 7, 2007

nông sản phẩm khủng hoảng thừa, dội chợ, giá rớt thê thảm.



Dù VN đã chính thức gia nhập WTO, nhưng trạng thái chung của nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng như nông dân cả nước là không được đào tạo nghề, thiếu kiến thức, dẫn đến những hệ quả như nông sản phẩm khủng hoảng thừa, dội chợ, giá rớt thê thảm.



Cau_khi.jpg
Mỗi xã, huyện, tỉnh, thành phải có những vùng sản xuất, gắn kết với chế biến, tiêu thụ trong và ngoài nước



GS.TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang nhận định: “Ở nhiều nước, nông dân được đào tạo bài bản, được cấp bằng hẳn hoi mới “trở thành” nông dân. Còn ở ĐBSCL, hầu như nông dân là đối tượng chưa được học nghề nhiều nhất”. Đó là nhược điểm lớn nhất của nông dân ĐBSCL khi VN đã gia nhập WTO.Hậu gia nhập WTO: Bức xúc chuyện nông dân học nghề.



Còn PGS. Đào Công Tiến - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM thì chỉ ra “nghịch lý đang cản trở phát triển của ĐBSCL”: Trong khi cả vùng đóng góp 17% GDP, 92% sản lượng lương thực, 66% sản lượng thủy sản của cả nước thì vẫn còn khoảng 10% dân số mù chữ và tái mù chữ, 80% người lao động chưa qua đào tạo”. Con số 80% người lao động chưa qua đào tạo nghề ấy theo nhận định của nhiều nhà khoa học, quản lý, tập trung ở những người nông dân chân lấm tay bùn. Đó là một nghịch lý, dù khó chấp nhận nhưng đã diễn ra nhiều năm qua.



Đầu tháng 3/2007, UBND tỉnh Hậu Giang có chỉ thị cấm xuống giống vụ lúa xuân hè trên phạm vi toàn tỉnh. Thế nhưng, nhiều nông dân vẫn xuống giống.



Gần đây, nhiều người đổ xô mua đất nuôi cá tra, cá ba sa trong khi một số ít nông dân lành nghề đã để ao trống, ngưng nuôi cá. Nhận định về hướng đi “trái chiều” này, một “đại gia” trong làng XK cá tra, ba sa ở ĐBSCL cho rằng “ngưng nuôi cá tra, cá ba sa hiện nay là sự lựa chọn tinh khôn”. Tại sao tinh khôn? Các chuyên gia đều chung nhận định: Giá cá tra, cá ba sa sẽ rớt trong thời gian tới. Nguyên nhân chủ yếu là do vùng nguyên liệu phát triển ồ ạt như hiện nay sẽ dẫn đến khủng hoảng thừa. Chu kỳ này đã lặp đi, lặp lại trong 5 năm qua.



Khi tiếp xúc với nhiều nông dân sản xuất giỏi ở ĐBSCL thì thấy một “kinh nghiệm” khá thú vị: Báo, đài đăng cây, con gì có giá thì tốt nhất nông dân đừng nuôi, trồng; mà chọn cây, con gì đang rớt giá để nuôi trồng là chắc ăn! Cái “kinh nghiệm” tréo ngoe này đặt trong bối cảnh sản xuất kiểu “ăn xổi, ở thì” của nhiều địa phương vùng ĐBSCL xem ra không phải không có lý. Điệp khúc “bỏ lúa, lên liếp trồng mía” hoặc bỏ mía nuôi tôm... đã kéo dài trong 2 thập niên qua ở ĐBSCL. Thế nhưng rất nhiều nông dân vẫn chạy “theo đuôi thị trường”. Thấy cây, con gì có giá là nhiều người ùn ùn nhau tìm giống nuôi trồng. Hậu quả là khủng hoảng thừa, dội chợ, giá rớt thê thảm.



muaquyt.jpg
Miệt vườn
Nếu nông dân được đào tạo dạy nghề bài bản, họ sẽ không “xé rào” xuống giống lúa xuân hè! Vì họ sẽ biết được lúa xuân hè là “môi trường béo bở” để rầy nâu và bệnh VL-LXL tiếp tục hoành hành. Được học nghề, họ sẽ biết trồng mía, nuôi tôm sú rải vụ, không dẫn đến khủng hoảng thừa cục bộ để rồi “ôm hận” như hiện nay! Được học nghề, họ cũng sẽ ý thức được mối liên kết sản xuất, gắn với các tổ chức nghề nghiệp... Nhu cầu liên kết sản xuất, buôn bán của nông dân ở ĐBSCL là có thật và ngày càng lớn. Nhưng hầu như chưa địa phương nào đáp ứng nhu cầu này.



Bên cạnh đó, nhu cầu thông tin giá cả, thị trường, hỗ trợ bán hàng, công nghệ bảo quản, đóng gói bao bì.... của nhiều nông dân cũng đang ngày càng tăng nhưng chưa được đáp ứng đầy đủ hoặc chưa được quan tâm. Có thể nói, thiếu kiến thức, thiếu thông tin, lo lắng, loay hoay, lúng túng… đang là trạng thái chung của nhiều nông dân khi VN đã là thành viên của WTO.



GS.TS Võ Tòng Xuân đưa ra một so sánh: Giá 1 tấn đậu nành Mỹ nhập vào VN chỉ bán 2,2 triệu đồng, trong khi giá thành sản xuất trong nước gần 6,5 triệu đồng; bắp Mỹ nhập khẩu 164 USD /tấn nhưng bắp VN tới 4,5 triệu đồng/tấn, chênh nhau cả triệu đồng/tấn. Phải sản xuất qui mô tập trung với kỹ thuật cao mới tạo ra sức cạnh tranh có hiệu quả cho nông sản VN. Nhiều chuyên gia cảnh báo: Không đưa ra được giải pháp để có hàng nông sản chất lượng cao thì khó cạnh tranh khi hàng nông sản ngoài tràn vào. Chất lượng nông sản là một thách thức lớn đối với nông dân trong thời gian tới.



Tiến sĩ Võ Mai - Chủ tịch Hiệp hội Trái cây VN nhận định: Gia nhập WTO, cánh cửa về kinh tế giữa nước ta và thế giới đã mở. Cửa mở, rau quả các nước nhập khẩu vào nước ta ngày càng nhiều, liệu rau quả chúng ta có đủ để cung ứng cho thị trường các nước đáp ứng về số lượng, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm không? Vấn đề hiện nay là làm sao tổ chức sản xuất qui mô lớn, số lượng rau quả nhiều, chất lượng tốt, an toàn và giá cạnh tranh. Một số nước EU băn khoăn, lo các doanh nghiệp VN cung ứng hàng không đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của họ, chưa đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh theo tiêu chuẩn châu Âu.



Nhược điểm lớn nhất của ngành sản xuất rau quả Việt Nam hiện nay là manh mún. Vùng ĐBSCL là trọng điểm sản xuất trái cây, nhưng do diện tích vườn của mỗi hộ đều nhỏ lẻ, trung bình chỉ từ 0,5-1 ha/hộ, phần lớn nông dân canh tác theo thói quen thích cây trái gì trồng cây trái nấy. Hệ quả của tình trạng này là khi cần một số lượng lớn rau củ, trái cây phục vụ xuất khẩu với thị trường ổn định chúng ta sẽ gặp khó.



Tiến sĩ Võ Mai đề xuất: Mỗi xã, huyện, tỉnh, thành phải có những vùng sản xuất, gắn kết với chế biến, tiêu thụ trong và ngoài nước. Thái Lan là một nước nông nghiệp có những đặc điểm tương tự như ta, tại sao từ cây ngò rí, rau thơm, cà chua và rau quả các loại họ đã tổ chức sản xuất và phân phối hầu khắp các thị trường châu Âu và Mỹ? Phải học cung cách làm ăn của các nước. Cũng tương tự như mình, người ta làm được, làm hay là mình phải học hỏi.



Theo Báo Cần Thơ
http://nguoivienxu.vietnamnet.vn/kinhtetrongnuoc/2007/05/691210/

No comments: