Tiến sỹ THÍCH THIỆN MỸ

Tiến sỹ THÍCH THIỆN MỸ 560/TA- Ấp Tân An-Xã Tân Thành Huyện Lai Vung – Đồng Tháp DD: 0939.826271, 0975.865463 Email : thienmy.thich@gmail.com

Saturday, August 11, 2007

7 chuẩn công nghệ không dây phổ biến hiện nay

7 chuẩn công nghệ không dây phổ biến hiện nay

Dù cáp và dây điện vẫn đóng vai trò chính trong truyền và nhận thông tin, việc sử dụng tai nghe không dây, lướt web tại điểm truy cập Wi-Fi... đang trở nên quen thuộc và tác động lớn đến đời sống hàng ngày.

Bluetooth
Ảnh: BBC.
Ảnh: BBC.

Bluetooth không chỉ được dùng để truyền dữ liệu giữa các thiết bị di động và kết nối tai nghe với điện thoại mà còn xuất hiện trong một loạt thiết bị khác nhau như máy ảnh số, laptop, PC và đầu máy chơi game. Chip Bluetooth sử dụng tín hiệu sóng radio để truyền dữ liệu trong phạm vi hẹp, thường là khoảng 30 mét.

Bluetooth 2.0, phiên bản được tích hợp nhiều nhất trong các thiết bị hiện nay, có thể trao đổi những gói thông tin đòi hỏi băng thông thấp hoặc trung bình với tốc độ 3 Mb/giây. Công nghệ này sử dụng lượng điện năng tương đối thấp.

Wibree
Ảnh: AP.
Ảnh: AP.
Wibree kết nối hiệu quả hơn Bluetooth

Công nghệ do Nokia phát triển có thể gửi một lượng dữ liệu nhỏ với tốc độ vài kilobit mỗi giây giữa 2 thiết bị mà chỉ cần rất ít năng lượng. Nó sẽ được ứng dụng trong các sản phẩm như đồng đồ, bộ cảm biến game, thiết bị y tế…

SIG, tổ chức chuyên về chuẩn Bluetooth, đã chấp thuận Wibree và đang phát triển để nó tương thích các thiết bị Bluetooth. Sản phẩm đầu tiên dự kiến sẽ xuất hiện trong năm 2008.

Zigbee
Ảnh: BBC.
Ảnh: BBC.
ZigBee - chuẩn công nghệ không dây mới

Zigbee cho phép truyền thông tin tới nhiều thiết bị cùng lúc (mesh network) thay vì chỉ có 2 sản phẩm tương tác với nhau như Bluetooth và Wibree. Phạm vi hoạt động của Zigbee đang được cải tiến từ 75 mét lên đến vài trăm mét.

Công nghệ này đòi hỏi năng lượng thấp hơn Bluetooth, nhưng tốc độ chỉ đạt 256 Kb/giây. Nó sẽ được ứng dụng trong hệ thống tự động tại các hộ gia đình như chiếu sáng và sưởi ấm.

NFC
Ảnh: NFC.
Ảnh: NFC.
Cảm ứng + Không dây = Điện thoại NFC 'tất cả trong một'

Thiết bị NFC chỉ có thể truyền không dây vài kilobit dữ liệu trong phạm vi vài cm, do đó nó đảm bảo an toàn khi người sử dụng muốn trao đổi thông tin nhạy cảm.

Các hãng sản xuất di động có vẻ hứng thú với công nghệ này và cho rằng điện thoại NFC sẽ được dùng để thanh toán hóa đơn khi người sử dụng uống cafe hay mua báo… Nó cũng sẽ xuất hiện trong khóa điện tử, vé và các tài liệu du lịch.

USB không dây

Wireless USB có tính năng tương tự USB nói chung nhưng không cần dây cáp. Nó hỗ trợ máy in, máy ảnh, ổ cứng rời... kết nối không dây với máy tính.

Wireless USB sử dụng nền tảng UWB (ultra-wideband) với tốc độ lên đến 2 Gb/giây, cho phép gửi video độ phân giải cao mà không tiêu tốn quá nhiều điện. Những sản phẩm Wireless USB đầu tiên cũng mới chỉ bắt đầu được giới thiệu ra thị trường.

Wi-Fi

Công nghệ kết nối Internet không dây này đã rất phổ biến trong gia đình, văn phòng, quán cafe và một số trung tâm thành phố lớn. Ngoài ra, Wi-Fi còn được dùng để nối những thiết bị gia dụng như TV, đầu DVD với máy tính.

Chuẩn Wi-Fi 802.11b/g có thể truyền dữ liệu 54 Mb/giây trong khi phiên bản đang chờ phê duyệt 802.11n đạt tốc độ 200 Mb/giây. Tuy nhiên, Wi-Fi ngốn khá nhiều điện khi so với Bluetooth hay Zigbee.

Dect
Ảnh: BBC.
Ảnh: BBC.

Dect (Digitally Enhanced Cordless Telecommunications) được dùng trong điện thoại cố định không dây. Sử dụng tín hiệu radio, nó có thể thực hiện cuộc gọi trong phạm vi 100 mét.

Dect được đánh giá là công nghệ "đặc biệt thành công" bởi mô hình điện thoại này đang được nhiều gia đình trên toàn thế giới ưa chuộng.

Công nghệ Cat (Cordless Advanced Technolog), phát triển dựa trên Dect, sẽ hỗ trợ thêm dịch vụ VoIP và radio, cho phép người sử dụng nghe đài trên Internet hoặc tra cứu danh bạ điện thoại trực tuyến. Các sản phẩm đầu tiên sẽ xuất hiện cuối năm nay.
http://www.vnexpress.net/Vietnam/Vi-tinh/2007/08/3B9F9108/

Thursday, August 9, 2007

Chế tạo thành công kính nhìn đêm

Chế tạo thành công kính nhìn đêm - 4/12/2006 8h:42

Sau hơn bốn năm miệt mài, các nhà khoa học Viện vật lý và điện tử (Viện KH-CN Việt Nam) đã nghiên cứu thành công và làm chủ công nghệ chế tạo các loại ống kính thiết bị nhìn đêm sử dụng các đầu thu khuếch đại ảnh thế hệ hiện đại.

(Ảnh: TTO)
Nghiên cứu phát triển và chế tạo ống kính thiết bị quang điện tử nói chung và kính nhìn đêm đòi hỏi sự phối hợp của rất nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ cao: quang học, quang điện tử, laser, vật lý màng mỏng, cơ khí chính xác, vi điện tử, toán-tin học, điều khiển tự động, xử lý ảnh và nhận dạng... Trên thế giới không phải bất cứ những nước công nghiệp phát triển cũng làm được.

Việc chủ động nghiên cứu chế tạo kính nhìn đêm trong nước không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế như tiết kiệm được đáng kể ngoại tệ cho nhập khẩu thiết kế và công nghệ, giảm giá thành sản phẩm mà còn đa dạng hóa được chủng loại kính nhìn đêm và thúc đẩy được nhiều ngành khác phát triển. Bởi, nếu cùng sử dụng đầu thu khuếch đại ảnh thế hệ 3 thì giá thành một kính quan sát cầm tay vào khoảng 5.500 USD; còn một kính ngắm cho súng nhỏ thấp nhất cũng là 6.500 USD. Nếu đi mua thiết kế và dây chuyền công nghệ chế tạo lắp ráp cho chỉ riêng một loại kính thôi thì giá thành không thấp hơn vài triệu USD.

Hơn ba năm, nhóm nghiên cứu đề tài đã tạo ra ba nhóm sản phẩm từ quy trình công nghệ này. Quan trọng nhất chính là đã nghiên cứu phát triển và thiết kế quy trình hệ ống kính quang học phức tạp, thiết kế các mạch điện tử điều khiển kỹ thuật số, các phần mềm xử lý và điều khiển theo hình ảnh. Cùng với đó là xây dựng được quy trình công nghệ chế tạo các thấu kính có đường kính lớn 60 - 180 mm với sai số bán kính 0,0005 mm; sai số bề mặt 0,000125 mm.

Từ đây, một loạt các sản phẩm kính nhìn đêm đã được chế tạo, từ kính quan sát loại nhỏ gọn cầm tay chỉ vài trăm gram cho đến những loại tầm xa đến 5-8 km; kính quan sát hai mắt, kính gắn trán cho lái xe; kính ngắm bắn, kính gắn máy quay camera về đêm. Đặc biệt là kính ngắm ban đêm do đề tài chế tạo có thể quan sát rõ mục tiêu ở cự ly đến 1 km trong điều kiện đêm tối hoàn toàn nhờ sử dụng một hệ chiếu tia laser không nhìn thấy kèm theo.

Theo ông Vũ Bá Huấn, thành viên nhóm nghiên cứu, thành công lớn nhất của nhóm nghiên cứu chính là dựa hẳn vào các nguồn nội lực trong nước để thiết kế và chế tạo một sản phẩm công nghệ cao như vậy. Công việc này bao gồm trọn gói hàng chục khâu cần nghiên cứu, từ quang điện tử, laser, ống kính quang học, phủ màng trong chân không, lập trình xử lý ảnh đến thiết kế các quy trình công nghệ: gia công quang học, cơ khí chính xác, điện tử-điều khiển tự động, lắp ráp sản phẩm... cho đến những khâu gia công nhỏ nhất mà khâu nào cũng là mới mẻ, từ đầu.

“Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tập trung vào việc hoàn thiện công nghệ và thương mại hóa sản phẩm trên cơ sở đầu tư của Nhà nước cũng như liên doanh liên kết với một số công ty bên ngoài. Trên cơ sở kế thừa những kết quả đã đạt được, chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu ứng dụng các loại linh kiện quang điện tử tiên tiến, thị giác cho robot (điều khiển giám sát, đo lường tự động...), kính hiển vi và một số thiết bị quang học đặc chủng cho quốc phòng, an ninh, y tế và một số lĩnh vực khác", Chủ nhiệm đề tài cho biết.

Thành công của nhóm nghiên cứu có thể sẽ mở ra nhiều ngành nghề mới cũng như thúc đẩy nhiều ngành công nghệ phụ trợ liên quan phát triển vật liệu siêu sạch, hóa chất, cơ khí chính xác, vi cơ quang điện tử, lập trình. Các loại sản phẩm này đã được giới khoa học đánh giá cao, bảo đảm chất lượng ngang bằng sản phẩm, thiết bị nhập ngoại mà lại có giá thấp hơn và có khả năng triển vọng áp dụng trong nhiều lĩnh vực quan trọng. Việc nghiên cứu thành công, làm chủ công nghệ chế tạo kính nhìn đêm được coi là nền tảng công nghệ mở ra hướng phát triển lĩnh vực công nghệ cao còn khá mới ở VN.

Theo Nhân dân, Thời báo kinh tế Việt Nam, Tuổi trẻ
http://www.khoahoc.com.vn/view.asp?Cat_ID=3&Cat_Sub_ID=9&news_id=10534

Tạo ra điện từ nhiệt của cơ thể

Tạo ra điện từ nhiệt của cơ thể - 2/8/2007 15h:29

Gọi điện từ điện thoại di động mà không cần Pin, chỉ cần sử dụng hơi ấm của tay bạn? Điều đó không còn là một giấc mơ viễn vông nữa. Các mạch mới hoàn toàn có thể lấy nhiệt của cơ thể để sản xuất ra điện.

Có rất nhiều thiết bị y tế được gắn vào cơ thể bệnh nhân nằm ở khu chăm sóc đặc biệt. Các thiết bị này kiểm tra nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ cơ thể, mạch và nhịp thở. Điều này thường tạo ra một mớ lộn xộn dây vì tất cả những thiết bị này đều cần được cung cấp điện. Trong tương lai, các cảm biến y khoa sẽ có thể hoạt động mà không cần điện từ ổ cắm trên tường. Thay vào đó, chúng sẽ thu tất cả năng lượng chúng cần từ hơi ấm của cơ thể người.

Các nhà khoa học tại viện Fraunhofe đã phát triển được cách thu nhiệt tự nhiên trong cơ thể để sản xuất ra điện hoạt động theo nguyên tắc của máy phát điện nhiệt điện hay nói ngắn gọn là TEG, được làm từ các nguyên tố bán dẫn. TEG lấy năng lượng điện từ hiệu số nhiệt giữa môi trường nóng và môi trường lạnh.

Các mạch mới biến đổi nhiệt của cơ thể - như là nhiệt của bàn tay - thành điện.

Các mạch mới biến đổi nhiệt của cơ thể - như là nhiệt của bàn tay – thành điện. (Ảnh: Fraunhofer IIS)
Bình thường, cần có một hiệu số vài chục độ để có thể sản xuất đủ năng lượng, nhưng hiệu số giữa nhiệt độ bề mặt cơ thể và nhiệt độ của môi trường thì chỉ có vài độ.

“Chỉ có thể sản xuất ra được điện áp thấp từ những hiệu số như thế này,” ông Peter Spies, giám đốc của dự án cho biết. Một máy TEG bình thường sẽ phát một điện áp khoảng 200 millivolt, nhưng các thiết bị điện tử lại cần ít nhất một hoặc hai volt.

Các kỹ sư đã tìm ra một giải pháp cho vấn đề này: “Chúng tôi kết hợp nhiều thành phần theo một cách hoàn toàn mới để tạo ra các mạch có khả năng vận hành với điện áp 200 millivolt,” ông Spies nói. “Điều này giúp chúng tôi tạo ra được toàn bộ hệ thống điện tử không cần phải có pin bên trong mà chỉ lấy năng lượng từ nhiệt độ của cơ thể.”

Các nhà khoa học đang cải thiện hệ thống nhiều hơn nữa: đã có các vi mạch hoạt động với điện áp 50 millivolt.

Ông Peter Pies tin rằng trong tương lai khi thực hiện được những cải thiện đáng kể cho các hệ thống bật tắt, thì chỉ cần có hiệu số nhiệt độ 0,5 độ cũng đủ để tạo ra điện.

Các nhà khoa học đã tập trung vào những ứng dụng khác nhau: “Có thể tạo ra điện từ nhiệt ở bất cứ nơi nào mà có hiệu số nhiệt độ xuất hiện,” Ông Spies tuyên bố. “Nơi đó có thể trên cơ thể, trên bộ tản nhiệt để đo sự hao phí nhiệt khi giám sát dây chuyền làm nguội trong quá trình vận chuyển hàng hóa ướp lạnh hoặc trong những hệ thống điều hòa không khí.”

Thanh Vân

Theo Fraunhofer-Gesellschaft, Sở KH & CN Đồng Nai
http://www.khoahoc.com.vn/view.asp?Cat_ID=3&Cat_Sub_ID=10&news_id=16603

Monday, August 6, 2007

Nhân giống thành công nhiều loài cá nước ngọt



Nhân giống thành công nhiều loài cá nước ngọt - 3/8/2007 8h:19

Trước nguy cơ nhiều giống thủy sản nước ngọt sinh cư vùng hạ lưu sông Mekong ngày càng khan hiếm dần và có nguy cơ mai một. Gần đây, Khoa Thủy sản - Trường Đại học Cần Thơ có những công trình nghiên cứu thành công về sinh sản nhân tạo nhiều giống thủy sản nước ngọt ở vùng ĐBSCL như cá tra, cá ngát, cá kết... Và mới đây, thêm các giống lươn đồng, cá lóc bông, cá leo được nhân giống thành công, mở ra nhiều triển vọng cho ngành nuôi thủy sản nước ngọt ở vùng ĐBSCL.

TS Đỗ Thị Thanh Hương, Khoa Thủy sản - Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: Nhóm nghiên cứu đã thành công trong việc cho lươn đồng (Monopterus albus) sinh sản. Sau hơn một năm nghiên cứu, nhóm đã thu thập được đầy đủ các dẫn liệu khoa học về đặc điểm sinh học sinh sản của lươn.

Lươn được sinh sản nhân tạo thành công từ công trình nghiên cứu của Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ.
Bằng cách tiêm các loại kích dục tố (hormone) khác nhau, bước đầu đã thành công nuôi vỗ thành thục cũng như kích thích lươn sinh sản đồng loạt. Hơn 35% số lươn tiêm kích dục tố đã đẻ. Nhóm cũng đã thử nghiệm thành công trong ấp trứng và ương lươn bột. Hiện đã có hơn 1.000 lươn bột được sản xuất. Với kết quả khả quan này, qui trình cho đẻ lươn đồng sẽ hoàn thành sớm và tiếp theo giai đoạn sắp tới nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu nuôi thâm canh lươn từ con giống sinh sản nhân tạo...

Song song đó, TS Bùi Minh Tâm, thành viên nhóm nghiên cứu phát triển kỹ thuật sinh sản nhân tạo các loài cá đồng của Khoa Thủy sản, cũng vừa công bố đã thành công trong nuôi vỗ thành thục và kích thích cá lóc bông trong ao và trong bể.

Theo TS Tâm, khó khăn trong kích thích sinh sản cá lóc bông là cá đực và cái khó phân biệt và thường thành thục không cùng lúc, vì thế rất khó xác định thời gian tiêm kích dục tố phù hợp. Tuy nhiên, qua nghiên cứu nhóm đã bước đầu xác định được thời gian, liều lượng cũng như loại kích dục tố phù hợp để tiêm cho cá. Hơn 2 tháng qua, nhóm đã cho đẻ được hơn 35 cặp cá (20 trong bồn composite và 15 trong lô đất) và thu được hơn 20.000 cá bột.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu dinh dưỡng thủy sản của Khoa Thủy sản cũng đã phát triển được qui trình ương cá lóc bông từ bột lên giống với tỷ lệ sống cao bằng thức ăn chế biến. Từ những thành công nay, qui trình sản xuất giống cá lóc bông sẽ được hoàn chỉnh và chuyển giao sớm cho người sản xuất để chủ động con giống đáp ứng nhu cầu nuôi thương phẩm.

Đối với cá leo, vừa qua nhờ sự tài trợ kinh phí Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang, Bộ môn Kỹ thuật nuôi thủy sản nước ngọt, Khoa Thủy sản - Trường Đại học Cần Thơ phối hợp cùng Trung tâm Khuyến ngư và giống Thủy sản tỉnh An Giang thực hiện nghiên cứu thành công sinh sản nhân tạo giống cá này.

Sinh sản nhân tạo thành công cá lóc bông. (Ảnh: Thiện Khiêm)
Theo ghi nhận của nhóm nghiên cứu thực tế, cá leo bố mẹ hoàn toàn có khả năng thành thục sinh dục trong điều kiện nuôi vỗ trong ao với chế độ dinh dưỡng thích hợp. Qua kích thích cá sinh sản nhân tạo bằng kích dục tố cá rụng trứng tốt, tỷ lệ trứng thụ tinh đạt dao động từ 32–61% và tỷ lệ nở đạt dao động từ 63–82%.

Hiện thời, Bộ môn Kỹ thuật nuôi thủy sản nước ngọt, Khoa Thủy sản tiếp tục thử nghiệm các giải pháp nâng cao tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ nở và ương cá bột để sớm hoàn thiện quy trình sản xuất giống cá leo và chuyển giao kỹ thuật cho nông dân ĐBSCL.

Nguồn cá tự nhiên ở ĐBSCL đang ngày càng suy giảm nghiêm trọng do việc khai thác quá mức và ô nhiễm môi trường nước. Ngay với giống cá tra trên sông Mekong trước đây, giống cá tự nhiên cũng đã hiếm dần từ nhiều năm nay. Do đó, những công trình nghiên cứu sinh sản nhân tạo thành công mang nhiều ý nghĩa trong việc phục hồi nguồn giống thủy sản nước ngọt, nhất là các giống cá đặc sản ở vùng ĐBSCL, hỗ trợ ngành thủy sản phát triển bền vững.

T.K-HĐ
http://www.khoahoc.com.vn/view.asp?Cat_ID=10&Cat_Sub_ID=0&news_id=16613