Tiến sỹ THÍCH THIỆN MỸ

Tiến sỹ THÍCH THIỆN MỸ 560/TA- Ấp Tân An-Xã Tân Thành Huyện Lai Vung – Đồng Tháp DD: 0939.826271, 0975.865463 Email : thienmy.thich@gmail.com

Wednesday, March 7, 2007

Năng Lượng Hydrogen

Năng Lượng Hydrogen

Bước vào thế kỷ 21, việc xử dụng đa dạng năng lượng (energy diversity) trong chuyển vận là một trong những suy nghĩ lớn cho công nghệ năng lượng trong tương lai. Đây là một tiềm năng để cho tất cả những nghiên cứu hiện tại chú tâm vào như khả năng truy tìm nguồn nguyên liệu thay thế xăng dầu trong vận chuyển như hơi đốt, rượu ethanol, điện, hydrogen, hay một hay nhiều hổn hợp của các loại năng lượng vừa kể trên.

Vào ngày 8/1/007, Cty H2Gen Innovations, Inc. công bố là đã hoàn tất việc chuyển giao hệ thống sản xuất HGM 2000 Hydrogen đến Cty Chevron Hydrogen Co. ở Florida. Hệ thống nầy sẽ là một thí điểm đầu tiên, đã được thực hiện vào cuối tháng giêng vừa qua. Đó là việc xử dụng xe buýt chạy bằng nhiên liệu hydrogen ở phi trường Orlando. Đây là một chương trình tài trợ bởi Cơ quan Bảo vệ Môi trường Florida. Máy HGM 2000 Hydrogen có khả năng sản xuất 115 Kg hydrogen nguyên chất (99,999% tinh khiết) đủ cung ứng cho 8 chiếc xe buýt lớn chạy suốt ngày trong phi trường.

Trong buổi lễ chuyển giao. TGĐ của H2Gen tuyên bố: "Đây là một bước quan trọng cho chúng ta. Hệ thống HGM 2000 rất dễ di chuyển, dễ lắp đặt, cũng như vận hành trong việc chuyển tải nhiên liệu hydrogen vào xe". Hệ thống nầy dựa theo nguyên tắc chuyển đổi khí thiên nhiên và nước thành hydrogen; do đó, sự an toàn tuyệt đối được bảo đảm trong khi di chuyển.

Thành quả nầy cho thấy Hoa Kỳ và các quốc gia phát triển trên thế giới đã bắt đầu xử dụng hydrogen như là một nhiên liệu thay thế dầu. Và việc chuyển đổi nầy kích thích công nghệ xe hơi trong việc nghiên cứu để thích ứng với tình thế mới là dùng nhiên liệu thay thế như hydrogen. Đây cũng là một bước ngoặc trong việc hạn chế khí thải CO2.

Nguồn sản xuất hydrogen

Các nguyên liệu và phươngpháp sau đây hiện đang được nghiên cứu và ứng dụng để sản xuất hydrogen. Đó là khí đốt thiên nhiên, than đá, nguồn năng lượng hạch nhân, phương pháp điện giải, năng lượng gió, năng lượng sinh khối (biomass), và năng lượng mặt trời.

Hydrogen từ khí đốt thiên nhiên: Điều chế hydrogen từ các nguồn nguyên liệu thiên nhiên như khí đốt được thực hiện dễ dàng nhất, và không cần phải sản xuất một nguồn nguyên liệu trung gian khác. Lợi điểm thứ hai, là phương pháp nầy đưa đến một công nghệ không phức tạp và có tỷ lệ hydrogen-carbon cao; do đó, hạn chế được tối đa lượng khí carbonic phát thải vào không khí.

Phươngpháp nầy thích hợp với những quốc gia có nguồn dự trử khí đốt lớn như LB Nga, nhưng lại khó thích hợp cho Hoa Kỳ và Tây Au, vì cần phải nhập cảng nguyên liệu khí đốt.

Nguyên lý chuyển đổi từ khí đốt methane CH4 ra hydrogen gồm các phương cách sau đây:

1- phản ứng chuyển hóa hơi methane và oxid hóa từng phần;

2- Hoặc kết hợp chung hai giai đoạn với nhau. Nhưng trên thực tế hổn hợp khí vẫn còn chứa carbon monoxide (CO), carbon dioxide (CO2) và một phần nhỏ khí methane còn sót lại.

Do đó cần phải qua một quy trình chuyển hóa thứ hai với hơi nước dưới những hóa chất xúc tác với nhau để tạo ra hydrogen như sau:

CO + H20(hơi) -> CO2 + H2

CH4 + 2H20(hơi) -> CO2 + 4H2

Và sau cùng khi tinh chế lại, quy trình sản xuất sẽ cho ra hydrogen có độ tinh khiết rất cao.

Phương pháp chuyển đổi khí đốt ra hydrogen trong giai đoạn chuyển tiếp hiện tại có thể là một giải pháp có hiệu quả kinh tế cao nhất vì nguồn vốn đầu tư và sản xuất tương đối thấp so với các phương pháp khác.

Đặc điểm của phương pháp nầy là dễ thực hiện và khi sản xuất ở quy mô lớn sẽ làm giảm giá thành. Đặc điểm thứ hai, là ở các hệ thống phân phối, ở các điểm bán lẽ không cần nhân viên có trình độ cao để chuyển khí hydrogen từ hệ thống phân phối qua tế bào tiếp nhận của xe.

Theo ước tính, một hệ thống sản xuất 480 Kg hydrogen/ngày sẽ giảm từ 3.847 $/Kg/ngày còn 2.000 $/kg/ngày và giá hydrogen sẽ giảm xuống từ 3,51 còn 2,33 Mỹ kim/Kg. Phương pháp nầy có thể áp dụng với quy mô kỹ nghệ vào năm 2011.

Hydrogen từ than đá: Phương pháp nầy được áp dụng ở các nhà máy nhiệt điện dùng than và quy trình tổng hợp hóa khí trong than (IGCC). Đây là một phương pháp sạch biến than thành năng lượng đang ngày càng phát triển ở Hoa kỳ. Do đó, việc phối hợp vừa sản xuất điện và khí hydrogen trong các nhà máy phát điện dùng than sẽ giảm giá thành của hydrogen và phương pháp nầy có hiệu quả kinh tế rất cao. Đây là một phương pháp biến than thành khí (gasification) dựa theo nguyên lý oxid hóa than đá với hơi nước ở nhiệt độ và áp xuất cao. Trong điều kiện trên, năng lượng được thành hình để có thể biến thành điện năng và khí hydrogen theo như chuổi phản ứng vừa đan cử ở phần trên.

Thêm nữa, với phương pháp trên, sản lượng hydrogen có được rất cao, có khả năng cung ứng nhiên liệu cho nhiều hệ thống phân phối trong một vùng rộng lớn. Vã lại, trữ lượng than đá của HK còn đủ cung ứng cho nhu cầu trong vòng 250 năm nữa; như vậy sẽ không có biến động về giá cả như việc dùng khí đốt mà Hoa Kỳ cần phải nhập cảng. Tuy nhiên có một điểm bất lợi lớn cho phương pháp nầy là lượng khí CO2 thải hồi rất lớn, lớn hơn tất cả phương pháp hiện nay để sản xuất hydrogen. Do đó, cần phải có hệ thống thu hồi khí carbonic bằng cách áp dụng kỹ thuật chuyển hóa carbon (sequestration).

Với phương pháp nầy, giá thành của H2 được ước tính khoảng $1,03/Kg. Trong tương lai, nếu áp dụng các phương pháp hoàn chỉnh hơn như thiết lập các ló phản ứng hóa khí lớn, và tăng hiệu năng việc tách rời cũng như tinh chế H2, giá thành có thể giảm xuống còn $0,90/Kg. Phương pháp nầy dự trù đem vào áp dụng tại HK vào năm 2015.

Hydrogen từ năng lượng hạch nhân: Sản xuất H2 từ nguồn năng lượng nầy có hai điểm lợi: 1- Nguồn nguyên liệu chính là uranium có trữ lượng lớn ở HK, Canada, và Úc Châu. Do đó đây là một nguồn nguyên liệu ổn định và an toàn; 2- Nguồn năng lượng hạch nhân không tạo ra khí carbonic vào bầu khí quyển cũng như các khí thải độc hại khác.

Quá trình sản xuất H2 trong các ló phản ứng hạch nhân có thể được lý giải như sau: hơi nước được điện giải trong phản ứng nhiệt hóa (HTES) từ khoảng 700 đến 1.0000C để cho ra H2. Phản ứng nầy chiếm ưu thế hơn ví không cần sự hiện diện của các chất xúc tác và cho hiệu suất cao hơn phản ứng nhiệt hóa.

Tuy nhiên, vì cùng sản xuất đồng loạt địên năng và hydrogen, cho nên cần có sự hiện diện của hai lò phản ứng ở trong cùng một phạm vi sản xuất. Điều nầy đòi hỏi mức an toàn vận hành rất cao. Mọi sơ suất có thể biền thành một tai nạn thảm khốc cho cư dân trong vùng.

Hydrogen từ phương pháp điện giải: Phương pháp điện giải nước để có được hydrogen và oxygen đã được phát minh vào cuối thế kỷ 18. Phương pháp nầy không cho hiệu quả kinh tế cao so với các phương pháp trên. Nhưng hiện tại, cách nầy có thể dự phần không nhỏ trong giai đoạn chuyển tiếp dùng năng lượng hydrogen, ví dễ dự trử và hệ thống điện giải có thể được thiếp lập ngay tại các tạm bán xăng dầu. H2 sẽ được chứa trong những bình chứa đặc biệt sẵn sàng được bơm thẳng vào bình nhiên liệu của xe.

Giá thành được ước tính là $2,50/Kg cho hệ thống điện giải nhỏ và $2,0/Kg cho các hệ thống lớn. Trong tương lai, giá có thể giảm hơn nữa do việc làm tăng hiệu năng điện giải từ 63 lên 75% qua sự kiện làm giảm nguồn năng lượng làm nóng hơi nước, và có thể đem áp dụng vào năm 2010.

Hydrogen từ năng lượng gió: Việc sản xuất hydrogen từ các nguồn năng lượng tái tạo vẫn còn là một đề tài nóng bỏng hiện tại, vì đây là mục tiêu dài hạn cho tương lai. Do đó, năng lượng gió chuyển đổi thành điện năng; và sau cùng, dùng điện năng nầy để phân giải nước thàng hydrogen.

Vấn đề được đặt ra ở đây là làm thế nào để có hiệu năng tối đa, vì vậy:

- Cần phải nghiên cứu công nghệ turbine gió và chuyển hóa thành điện năng để có được giá thành thấp so với hiện tại;

- Giảm giá thành của công nghệ phân giải nước;

- Và sau cùng phối hợp hợp lý hệ thống turbine gió, hệ thống phân giải, cùng hệ thống bình chứa hydrogen.

Một khi thực hiện được ba điều trên, nguồn năng lượng gió sẽ là nguồn năng lượng tái tạo hiệu quả nhất cho việc cho việc chuyển đổi thành điện năng và hydrogen cho thế kỷ 21 nầy. Hiện tại (2007) giá thành của nguồn điện năng từ năng lượng gió đã giảm tùy theo vùng từ 5 đến 7 xu/kwgiờ, không tính tới tiền trợ cấp khuyến khích của chính phủ liên bang HK. Nếu công nghệ gió có khả năng làm tăng hiệu năng chuyển đổi, giá thành sẽ càng giảm hơn nữa (hiện tại, khả năng chuyển đổi nầy là 30%).

Yếu tố môi trường cũng là một lợi thế cho việc ứng dụng năng lượng gió vào việc sản xuất hydrogen, vì nguồn năng lượng nầy hoàn toàn không phát thải khí carbon monoxide (CO), khí carbon dioxide (CO2), nitrogen oxide (N0x), sulfur dioxide (SO2), và những hóa chất hữu cơ nhẹ và kim loại độc hại như trong kỹ nghệ điện từ than đá hay dầu hỏa.

Với phương pháp nầy, giá thành của hydrogen được ước tính là $6,64/Kg nếu hệ thống gió - phân giải - hydrogen được hoàn chỉnh với hiệu suất tồi đa, giá thành có thể giảm xuống còn $2,86/Kg Hydrogen.

* Thay lời kết

Năng lượng gió hiện đang có lợi thế trong việc sản xuất nguồn năng lượng hydrogen và có khả năng biến nguồn năng lượng nầy có hiệu quả kinh tế cao. Do đó, đây sẽ là nguồn năng lượng trong tương lai, giảm thiểu sự phát thải khí carbonic, tác nhân chính của sự hâm nóng toàn cầu, và giảm thiểu lượng hydrocarbon trong dầu khí dùng cho việc di chuyển và sản xuất ra điện năng tiêu dùng.

Qua thời gian, công nghệ gió có những bước tiến đáng kể trong việc thu hồi toàn bộ sức gió để làm tăng vận tốc quay của những cánh quạt, cùng hệ thống dự trữ điện nănghòan chỉnh sẽ là hai yếu tố quyết định.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải lưu ý đến yếu tồ an toàn trong việc xử dụng hydrogen trong kỹ nghệ vận chuyển. Hydrogen là một khí nhẹ nhất, rất dễ bị rò rỉ trong các hệ thống dây nối trong xe. Theo KS Rudolph Pick, chuyên gia về hydrogen ở Florida, chỉ cần một sự rò rỉ nhỏ cũng có thể gây ra tai nạn chết người do hydrogen sẽ phát nổ khi thoát ra ngoài không khí.

Do đó, một khi có tai nạn do xe chạy bằng nhiên liệu hydrogen, thảm nạn sẽ xảy ra tức khắc. Và đây là một bất lợi lớn nhất cần phải khắc phục trong tương lai, trước khi đem công nghệ nầy vào áp dụng.

West Covina,3/2007
MAI THANH TRUYẾT
http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=115&nid=103700

Ấn Độ, Tự Hào Lầm Than

Ấn Độ, Tự Hào Lầm Than

...Khi một xã hội chỉ tìm thấy mẫu mực để bắt chước hay học hỏi từ ở bên ngoài thì rất dễ đánh mất bản sắc của mình vì thần tượng của họ là người ngoại quốc, là điều tôi e là đang xảy ra cho Việt Nam...

Tuần qua, đảng Quốc đại trong liên minh cầm quyền UPA của cánh tả tại Ấn Độ vừa gặp một thất bại bầu cử đáng chú ý ở hai bang của miền Bắc và dường như dự luật ngân sách do Chính phủ vừa đệ nạp lại không có những biện pháp đủ mạnh khả dĩ đáp ứng những chờ đợi của dân chúng. Diễn đàn Kinh tế đài RFA sẽ tìm hiểu về những vấn đề ấy qua phần trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa hiện đang có măt tại Ấn Độ.

- Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, tuần qua, có hai biến cố đã khiến các thị trường tài chính trên thế giới đặc biệt chú ý. Thứ nhất là việc thị trường chứng khoán tại Trung Quốc đã tuột giá mạnh vào ngày 27, một mức suy giảm lớn nhất từ mươi năm nay, làm thị trường chứng khoán tại Mỹ cũng bị giao động. Thứ hai là việc đảng Quốc đại trong liên minh cầm quyền của cánh tả, gọi là Liên minh Cấp tiến United Progressive Alliance hay UPA, đã bị đánh bại tại hai trong ba tiểu bang có bầu cử vào ngày 27 và dự luật ngân sách 2008 vừa đệ nạp đã được thị trường tài chính cho là chưa đủ cấp tiến. Dường như hai quốc gia đông dân nhất thế giới và được ca tụng là hai cường quốc kinh tế mới, hai nước tân hưng như ông hay gọi, lại đang có vấn đề phải không?

- Thưa việc thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến bị tuột giá mạnh hôm Thứ Ba 27 thật ra không là điều lạ. Trên diễn đàn này, mới đây chúng ta đã có lần đề cập tới hiện tượng bong bóng đầu tư tại Hoa lục. Lần này thì rõ ràng là Chính quyền Bắc Kinh đang muốn trái bóng phải xì để khỏi bị nổ. Nếu ba năm trước mà thị trường chứng khoán Hoa lục có tuột dốc thì thiên hạ chẳng để ý, ngày nay, kết giá cổ phiếu - là giá cổ phiếu trên thị trường nhân với số cổ phiếu - đã được thổi lên một con số đáng kể là 1.300 tỷ Mỹ kim, với những liên hệ kinh doanh chằng chịt cùng nhiều xứ khác cho nên các thị trường quốc tế mới phải theo dõi. Hôm sau, Chỉ số Dow Jones của Mỹ đã mất 150 điểm một phần cũng vì hiệu ứng Trung Quốc, nhưng chỉ một phần thôi.

Điều đáng chú ý ở đây là việc Bắc Kinh chủ động can thiệp, và sẽ còn can thiệp nữa, để tránh một vụ khủng hoảng vô cùng tai hại. Họ có thành công hay không, ta chưa thể biết, nhưng ít ra giới đầu tư đã được một hồi chuông cảnh báo để khỏi hồ hởi sảng. Chúng ta sẽ còn có dịp trở lại đề tài này vì có thể rút tỉa nhiều bài học cho Việt Nam.

- Hỏi: Qua một quốc gia châu Á thứ hai là Ấn Độ mà nhiều người cũng đã có lúc lạc quan báo hiệu sức mạnh kinh tế của một thị trường có một tỷ 100 triệu dân, ông thấy gì và nghĩ sao khi chính ông đang có mặt tại xứ này?

- Ấn Độ cải cách kinh tế mới chỉ từ năm 1991, lại không bị "điện giật" như Trung Quốc với cuộc cách mạng vô sản, nhất là 10 năm "Cách mạng Văn hoá", nên thay đổi chậm hơn. Thứ hai, xứ này cũng còn trì lực hay quán tính văn hoá quá mạnh nên chưa thực sự được giải phóng khỏi cái nếp suy tư và hành xử của một xã hội phân biệt đẳng cấp. Đã thế, lãnh đạo vẫn bị ràng vào lý luận kinh tế nhuốm mùi bao cấp xã hội chủ nghĩa. Năm xưa, đảng Bharatiya Janata đã tiến hành việc giải tỏa và có đạt một số thành quả kinh tế được thế giới ngợi khen nhưng đồng thời cũng gây nhiều xáo trộn và bị cử tri trừng phạt năm 2004, khiến đảng Quốc đại lên cầm quyền. Đảng này đã khéo đề cử một nhân vật có khả năng về kinh tế lên cầm quyền, thế nhưng....

- Hỏi: Nhưng vừa rồi, đảng này lại vừa bị thất cử trong một cuộc bầu cử bán phần và người ta e rằng liên minh cầm quyền do đảng Quốc đại lãnh đạo sẽ còn gặp khó khăn.

- Thưa vâng, tuần qua, đảng này cũng lại được cảnh báo khi thất cử tại hai trong ba bang, là Punjab và Uttaranchal, là các tiểu bang rất nặng về nông nghiệp ở miền Bắc và sẽ còn nhức tim vì cuộc bầu cử tháng tới tại tiểu bang đông dân nhất là Uttar Pradesh.

Người ta cứ nói đến nền công nghệ cao của Ấn Độ hay thị trường Mumbay rất hiện đại mà ít ai để ý rằng nông nghiệp vẫn chiếm tới 20% sản lượng kinh tế xứ này và nuôi hơn 230 triệu nông dân rất nghèo đói. Riêng tại bang Maharashtra ở miền Tây chẳng hạn, bình quân thì mỗi tám tiếng lại có một nông dân tự tử vì tuyệt vọng với khoản nợ không thể trả nổi. Và tại Thủ đô Dehli mà tôi vừa ghé qua, ta thấy sự lầm than bất ngờ, có lẽ chỉ gặp ở các nước Phi châu. Ấn Độ có những khu vực đã tân hưng và nhiều khu vực còn cực kỳ lạc hậu, thua xa các nước Á châu khác

Điều đáng nói hơn cả, và chúng ta trở lại đề tài thời sự ông vừa hỏi, dự luật ngân sách do chính phủ Ấn vừa đệ nạp có phần nào tìm cách giải quyết những vấn đề ấy mà chưa đủ và khó thành, nên tôi e rằng tình trạng bấp bênh chính trị sẽ lại tái diễn và việc cải cách cần thiết vẫn chưa tiến hành. Đây cũng là một vấn đề đáng quan tâm cho thế giới.

- Hỏi: Ông vừa nói đến một chi tiết rất lạ, cứ tám tiếng lại có một nông dân tự tử và mới chỉ tại riêng một tiểu bang Maharashtra mà thôi. Vì sao lại đến nỗi vậy?

- Tại Trung Quốc, nông dân tuyệt vọng thì biểu tình hoặc nổi loạn. Tại Ấn Độ, họ tự tử, như một cây đổ trong rừng nên ít ai nghe thấy. Sự thể là từ 10 năm nay, đà tăng trưởng nông nghiệp xứ này sút giảm dần, chỉ còn 2,5% một năm so với 4,6% trong thập niên 80 hay bình quân là 3,5% trong năm năm từ 1990 đến 1995. Sa sút nông nghiệp đã phần nào khiến đảng Janata thất cử và nay đang là một bài toán cho đảng Quốc đại.

Ngân sách 2008 do đảng này vừa đệ nạp tuần trước có nhắm vào cải thiện nông nghiệp như thêm 54% về thủy lợi và 38% về cải tiến đời sống nông thôn qua điện năng, đường xá, viễn thông và gia cư. Nhưng khoản tăng chi ấy chỉ vỏn vẹn là hơn hai tỷ Mỹ kim. Chính phủ Ấn cũng tính trợ cấp gần tám tỷ nông tín là tín dụng cho canh nông, để giảm bớt gánh nợ quá nặng cho nông dân, nhưng biện pháp ấy chưa chắc đã được ngân hàng trung ương đồng ý vì kinh tế Ấn hiện đang bị áp lực lạm phát, tới gần 7% và quá cao so với tiêu chí 5,5%. Ta cần biết là các nhu yếu phẩm xứ này đều tăng giá và riêng lương thực thì đã lên tới 10% so với năm ngoái. Vì vậy mà cử tri nông dân tại hai tiểu bang nông nghiệp miền Bắc mới trừng phạt đảng Quốc đại vào tuần qua.

- Hỏi: Ngoài việc tăng chi cho nông thôn thì Chính quyền Ấn còn dự trù những gì nữa?

Họ cũng đề nghị tăng chi về xã hội, nhất là giáo dục và y tế, lên khoảng hơn bốn tỷ đô la và cải thiện hạ tầng cơ sở vật chất với gần hai tỷ, nhưng tôi thiển nghĩ vẫn là việc chắp vá lanh quanh vì tài trợ chi tiêu xã hội bằng cách tăng thuế và tài trợ xây dựng hạ tầng bằng cách lấy tiền từ dự trữ ngoại tệ là điều mà ngân hàng trung ương chưa chịu và sẽ phải được Quốc hội thông qua, là một khó khăn khác. Và ngân sách cũng không đề cập tới nhu cầu tư nhân hoá hay vận động đầu tư ngoại quốc vào phát triển hạ tầng, vốn là một ưu tiên rất cao. Sản lượng canh nông của Ấn bị tiêu hao 40% vì hạ tầng đó.

- Hỏi: Bây giờ, nhìn trên toàn cảnh, ông nhận xét ra sao về kinh tế Ấn?

- Nói đơn giản nên có vẻ cực đoan, thì Ấn Độ có thể tự hào về công nghệ tin học, có nhiều chuyên gia hay công chức quốc tế nhất, và có cả khả năng chế tạo và sử dụng võ khí hạch tâm, nhưng chủ yếu vẫn là một xứ lạc hậu.

Quốc gia này có lãnh thổ lớn thứ bảy, dân số thứ nhì thế giới, là một nước dân chủ đông dân nhất địa cầu, có nền kinh tế đứng hàng thứ 12 với sản lượng hơn 4.000 tỷ tính theo tỷ giá mãi lực PPP và đạt tốc độ tăng trưởng là hơn 9%, chỉ thua Trung Quốc mà hơn Việt Nam. Nhìn trên bề mặt hay mệnh giá như thế, nhiều người đã nói rằng Ấn sẽ vượt qua Anh để chiếm vị trí của nền kinh tế thứ năm trên thế giới nội trong mươi năm nữa. Nhưng, thực ra lợi tức đồng niên một đầu người tại Ấn vẫn chỉ là 3.700 đô la, hơn Việt Nam một chút và đứng hàng thứ 117 địa cầu. Trong khi ấy, xứ này có những sức cản rất lớn ngay trong xã hội và nếp văn hoá đặc thù của họ. Sự lạc hậu có thể xuất phát từ đó.

- Hỏi: Vì sao ông lại có nhận định bi quan như vậy?

- Trước hết, tôi cảm thấy một sự bình thản và cam chịu của người dân trong sự cùng khốn. Xã hội còn coi trọng khái niệm đẳng cấp và không cho thành phần bần cùng một hy vọng nào khác, trong khi đẳng cấp trên cùng thì nói chuyện văn minh và phát triển một cách tự nhiên và thoải mái. Yếu tố thứ hai, nhiều thành phần ưu tú thì chạy ra ngoài sống, hoặc ở nhà thì phục vụ cho cơ sở nước ngoài. Thứ ba, cá nhân tôi thiển nghĩ là dân tộc này rất tự cao nên không thèm hay không muốn bắt chước ai cả! Giai cấp ở trên có nền tảng văn hoá và tôn giáo để khuyên bảo hay dạy dỗ giai cấp cùng đinh ở dưới về chữ "an bần lạc đạo", kiểu Ấn. Chẳng lẽ họ tự hào về sự lầm than ấy?

- Hỏi: Ông có nêu một nhận xét rất lạ là dân Ấn tự cao nên không thèm bắt chước ai cả. Điều ấy nghĩa là gì?

- Khi một xã hội chỉ tìm thấy mẫu mực để bắt chước hay học hỏi từ ở bên ngoài thì rất dễ đánh mất bản sắc của mình vì thần tượng của họ là người ngoại quốc, là điều tôi e là đang xảy ra cho Việt Nam. Một xã hội rất giỏi bắt chước hay cóp nhặt của thiên hạ mà lại có bản sắc văn hoá rất mạnh là trường hợp Nhật Bản, một cường quốc đáng nể về kinh tế và kỹ thuật do nền tảng văn hoá rất thâm sâu và tinh thần tự trọng rất cao. Trường hợp của Ấn là tự hào thì có thừa và có thời còn đòi lãnh đạo "Thế giới thứ ba", nhưng không muốn học hỏi và thay đổi ngay trong nền tảng văn hoá của họ. Vì vậy, họ khó có thể tiến hành một cuộc cách mạng để thay đổi nếp suy tư và hành động.

- Hỏi: Ông đang ở tại Ấn Độ và đã thấy những gì để có nhận xét bi quan ấy?

- Tôi không dám nói về chuyện tôn giáo vì sẽ lạc đề, nhưng, dù sống trong một xứ dân chủ, đa nguyên và đành phải hiếu hòa, thành phần ưu tú của xã hội này chưa quan tâm đúng mức đến sự lầm than ở dưới. Những người cùng khốn ở dưới thì tìm ra lý do thần linh hay văn hoá để chịu đựng. Nói cụ thể thì kinh tế thị trường mới chỉ vào tới mặt tiền hay phòng khách trong nhà, chưa tiến sâu đến cái bếp hay lên tới tư duy của quảng đại quần chúng như ta thấy tại Việt Nam. Dân Việt Nam đang ra sức cải thiện cuộc sống bằng cách giành lấy quyền quyết định về đời sống, việc ấy dù có chậm thì cũng vẫn đang xảy ra. Tại Ấn Độ thì ta chỉ thấy điều ấy ở một số khu vực trong các đô thị lớn, ở thôn quê thì chưa. May là họ vẫn còn lá phiếu như ta đã thấy tại Punjab tuần qua.

- Hỏi: Câu hỏi cuối của người tò mò. Ông có những giai thoại gì về chuyến đi này?

- Tuần qua, tôi được đi xe buýt suốt 14 tiếng trong một ngày. Trên đường bộ, khi dừng chân mình thấy nhiều điều mà du khách rất thích vì sự hồn nhiên ca hát của dân chúng, ngay tại Punjab sau ngày bầu cử. Nhưng tôi cũng thấy, tất nhiên cũng phiến diện thôi, những điều mà người dân xứ khác, nhất là các nước công nghiệp, khó chấp nhận được. Tại rất nhiều quán xá dọc đường, cơ sở có dự tính rất lớn cho tương lai, mà mới chỉ có tiền xây được tầng dưới, nên trên nóc hay sân thượng vẫn là những cột bê tông và cốt sắt cuốn bằng tay mọc lên lởm chởm chờ ngày có tiền xây tiếp. Khi có tiền thì tầng dưới đã mục và từ nay đến đó vẫn là sự tạm bợ rất xấu xí về thẩm mỹ!

Điều ấy khiến tôi liên tưởng đến nhiều xứ Phi châu chưa có khái niệm gì về tín dụng. Họ xây nhà theo khả năng tiết kiệm và đầu tư, tháng này đổ móng, năm sau xây tường và trong khi chờ đợi, đấy là khu vệ sinh hay xả rác của láng giềng! Tôi hú vía nhớ lại là đã có thời mà kinh tế chính trị học Mác-Lênin tại Việt Nam không chấp nhận tín dụng, như khá nhiều nền văn hoá lạc hậu khác!
RFA & NGUYỄN XUÂN NGHĨA
http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=114&nid=103757