Tiến sỹ THÍCH THIỆN MỸ

Tiến sỹ THÍCH THIỆN MỸ 560/TA- Ấp Tân An-Xã Tân Thành Huyện Lai Vung – Đồng Tháp DD: 0939.826271, 0975.865463 Email : thienmy.thich@gmail.com

Monday, December 22, 2008

Dụng cụ nghe lén rao bán công khai

Dụng cụ nghe lén rao bán công khai
Sunday, December 21, 2008

HÀ NỘI 21-12 (TH).- Không biết có phải là hàng quốc cấm hay không nhưng nhiều thứ trang bị nghe lén, ngay cả trang bị phá sóng chỉ có các cơ quan công an CSVN sử dụng được một số người rao bán công khai ở Vệt Nam.

Mới ngày 19/12/08, báo điện tử VNExpress loan tin hai người dân ở Hải phòng bị truy tố về tội phá trạm phát sóng của hãng điện thoại viễn liên quân sự Viettel.

“Hàng loạt thiết bị nghe lén từ xa, nghe lén di động, nghe lén điện thoại cố định và thậm chí là cả thiết bị phá sóng di động mà chỉ có cơ quan chức năng trong trường hợp đặc biệt mới được phép sử dụng, đang xuất hiện tràn lan tại nhiều tỉnh thành.”

Bản tin trên tờ Tiền Phong ngày Chủ Nhật mô tả như vậy. Trên đất Mỹ, người ta thấy quảng cáo bán nhiều trang bị được mô tả là 'đồ gián điệp” đủ loại và bán với giá rất rẻ từ vài đô la đến vài trăm đô la.

Báo Tiền phong kể chuyện bán lậu đồ quốc cấm nghe lén như sau:

“GMAX trân trọng giới thiệu máy nghe lén sử dụng hệ thống sóng - sim GSM để truyền tải dữ liệu trong phạm vi bán kính 5-7m. Chỉ cần sạc điện cắm sim GSM để tại 1 nơi ‘tế nhị’ rồi khi muốn biết chuyện gì đang xảy ra xung quanh chỗ bạn ‘cắm’ máy nghe lén chỉ cần bấm máy gọi vào sim GSM... rồi nghe-ghi âm lại”...

Ðây là phần quảng cáo của một cửa hàng cung cấp loại thiết bị nghe lén di động có địa chỉ số 902 La Thành (Ba Ðình, Hà Nội).

Không rầm rộ quảng cáo công khai nhưng hàng loạt độc chiêu tiếp thị, được các cửa hàng, đơn vị nhập khẩu những thiết bị được quảng cáo là “tối tân nhất” trong việc nghe lén, nghe trộm chuyện riêng tư, thậm chí nhằm cả mục đích gián điệp kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp đối thủ.

Những loại máy này âm thầm hằng ngày đưa tới tận tay các khách hàng dưới nhiều hình thức. Trên thị trường hiện nay đã xuất hiện nhiều thiết bị ghi âm, nghe lén như: Ðầu ghi âm không dây dùng nghe trộm trong các phòng họp, hội thảo; máy nghe lén sử dụng hệ thống sóng-sim GSM của các mạng di động MobiFone, Vinaphone và Viettel; máy ghi âm điện thoại cố định; máy phá sóng điện thoại di động...

Các loại máy này được chào bán công khai trên trang web của chính cửa hàng, công ty cung cấp thiết bị. Một cách khác là tiếp thị qua e-mail thông qua việc đều đặn hằng ngày gửi thư đến e-mail mà các đơn vị này mua hay sưu tập được trên mạng Internet cũng như quảng cáo qua tin nhắn di động đến số điện thoại bất kỳ.

Theo lời một nhân viên giới thiệu của cửa hàng 902 La Thành với thời gian hoạt động liên tục lên tới 5-6 giờ, thời gian chờ lên đến 30 ngày cùng với kích thước nhỏ như bao diêm, đây là thiết bị nghe lén “tuyệt hảo”. Ðiểm đặc biệt là thiết bị này có thể sử dụng máy để định vị tín hiệu nếu mạng hỗ trợ 3G.

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi các thiết bị nghe lén có xuất xứ Ðài Loan, Trung Quốc và một số hàng nhập khẩu khác thường chỉ nặng chừng 18gr-30 gr và có kích thước nhỏ.

Chúng thường được gắn kèm 3 hoặc 4 chiếc micro siêu nhỏ (tùy từng loại) và có thể sử dụng được sim của tất cả các mạng GMS với băng tần 900, 1800, 1900 MHz với các cấp độ nghe khác nhau, trong đó cấp độ “xịn” nhất của các dòng máy này là loại có 4 mức độ nghe với khoảng cách hoạt động hiệu quả trong vòng bán kính khoảng 100 m.

Giá các loại thiết bị này được bảo hành trong vòng 12 tháng, thấp nhất là 150 USD, tức khoảng 2,5 triệu đồng/chiếc. Một số hàng nhập khẩu kiểu khác có giá 2,8-3,6 triệu đồng...

Ðến máy nghe trộm điện thoại cố định, phá sóng di động

Một dòng sản phẩm nghe lén chào nhiều trên các website thương mại hiện nay là loại máy Shengnou đời SN-2002T có xuất xứ Trung Quốc dùng để ghi âm, nghe trộm đường điện thoại cố định.

Về nguyên lý hoạt động, khi cần theo dõi thông tin của ai đó, người sử dụng chỉ cần đấu song song hoặc nối tiếp thiết bị này vào máy cố định hoặc tổng đài cần nghe lén.

Khi được nối với máy điện thoại, thiết bị sẽ tự động ghi âm khi có cuộc gọi và dừng khi cuộc gọi kết thúc. Người muốn nghe lén sau đó có thể nghe lại trực tiếp qua loa tích hợp trên thiết bị hoặc qua đường phone riêng.

Công ty TNHH Viễn thông G-LINK (địa chỉ số 452 đường Khương Ðình, Thanh Xuân, Hà Nội), là đơn vị cung cấp thiết bị này. “Có những gia đình, vợ chồng sống trong nghi ngờ mà không biết làm cách nào để giải tỏa. Quan hệ giữa chủ nhà và người làm công nhiều khi cũng không suôn sẻ vì những nghi ngờ nhưng không có bằng chứng.

Các doanh nghiệp thì đau đầu với việc làm thế nào để tránh được các hành vi vi phạm của nhân viên trong cơ quan. Sử dụng thiết bị này sẽ giúp ghi lại nội dung các cuộc gọi đến và đi mà người bị nghe lén không hề hay biết,” trang web công ty này quảng cáo.

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, một số loại thiết bị nghe trộm qua đường điện thoại cố định kiểu này cũng được rao bán công khai trên một số trang web với đầy đủ số điện thoại, e-mail liên lạc và các hình thức vận chuyển, chuyển phát nhanh với các mức giá tiền công được tính sẵn theo từng gram vận chuyển tới các tỉnh, thành.

Các trang web này cũng công bố cả số điện thoại hỗ trợ cố định, số đường dây nóng để tiện liên lạc, giải đáp thông tin.

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện bộ phận kỹ thuật của công ty Viettel Telecom, đơn vị đang cung cấp cả dịch vụ điện thoại di động và cố định ở Việt Nam, cho biết thiết bị nghe trộm dùng sim GSM nói trên có các tính năng: Chức năng GSM như điện thoại di động thông thường, có khả năng tự trả lời khi có cuộc gọi đến, thu âm thanh (sound) ở môi trường xung quanh.

Về nguyên lý hoạt động, khi cắm một sim GSM (có số điện thoại là B) vào thiết bị này, người muốn nghe lén sẽ tìm cách giấu vào một góc kín trong phòng của người bị nghe lén sau đó dùng máy di động hoặc cố định gọi vào số B.

Thiết bị này tự động trả lời cuộc gọi và ghi âm các âm thanh xung quanh tại căn phòng có giấu máy nghe lén như một cuộc gọi thông thường. “Tuy nhiên 100% khả năng thiết bị này không thể nghe lén trực tiếp các cuộc gọi trên sóng vô tuyến được,” đại diện kỹ thuật của Viettel Telecom khẳng định.

Ðối với thiết bị nghe trộm đường dây điện thoại cố định đang bán trên thị trường, ông Bùi Quang Tuyến, phó giám đốc kinh doanh của Viettel Telecom cũng cho biết đây là thiết bị ghi âm điện thoại PSTN thông thường.

Nếu cố tình nghe trộm, bắt buộc người sử dụng phải đấu nối (bí mật) với đường dây điện thoại PSTN, sau đó lấy băng cassset ra nghe lại. Với hình thức này các cuộc gọi đến và đi của đường dây bị gắn thiết bị sẽ không còn an toàn nữa.

Không chỉ có các máy nghe lén điện thoại cố định, di động tại trang web www.vat... com còn cung cấp cả địa chỉ của một số công ty có bán loại máy phá sóng điện thoại di động ở các băng tần 1800-1900 MHz.

Theo chỉ dẫn tại trang web này hiện có 4 công ty đang có bán loại hàng này và có thể vô hiệu hóa triệt để các thiết bị di động GSM và CDMA ở các băng tần khác nhau. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì những loại máy phá sóng di động này có xuất xứ từ nhiều nước trong đó xuất xứ chủ yếu là của Ðài Loan, Israel và một số nước Châu Âu.”

Báo Tiền Phong, kết luận, đặt vấn đề “với các cơ quan chức năng” là cần có biện pháp kịp thời nhằm ngăn chặn việc phổ biến các loại thiết bị nghe trộm và phá sóng đang lưu hành trên thị trường hiện nay.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=88448&z=2