Tiến sỹ THÍCH THIỆN MỸ

Tiến sỹ THÍCH THIỆN MỸ 560/TA- Ấp Tân An-Xã Tân Thành Huyện Lai Vung – Đồng Tháp DD: 0939.826271, 0975.865463 Email : thienmy.thich@gmail.com

Thursday, May 10, 2007

Nên trồng luân canh các loại rau đậu hay hoa màu khác nhau

Nên trồng luân canh các loại rau đậu hay hoa màu khác nhau
Wednesday, May 09, 2007

Hồ Ðiệp

Vào thời điểm này, gia chủ nào thích làm vườn trồng rau thì đã bắt đầu từ lâu rồi. Các loại rau đậu thu hoạch vào Mùa Hè thì giờ này đã xanh tốt. Húng quế, ngò, tía tô, kinh giới cũng đã mạnh khỏe vươn lên từ lâu, hái ăn rồi. Mướp, bầu, bí đã ra hoa.

Theo các chuyên viên về trồng cấy nông nghiệp, nên trồng luân chuyển các loại cây, hoa màu khác nhau. Từ ngữ canh nông trước đây gọi là luân canh.

Luân canh là kỹ thuật làm vườn đã được áp dụng từ lâu. Ðây là phương pháp giản dị và hữu hiệu để giúp cho các loại cây trồng chống lại được các loại bệnh tật và côn trùng phá hoại.

Ý kiến căn bản của vấn đề này là, nếu trồng cùng một loại cây hay hoa màu tại một chỗ từ năm này sang năm khác, bệnh tật gây cho loại cây này, côn trùng ưa thích sống bám vào loại cây này để ăn hay sinh đẻ, mỗi ngày một nhiều hơn, trầm trọng hơn. Nếu luân canh, thứ bệnh tật hay côn trùng của loại cây đó mất chỗ dựa quen thuộc, sẽ chết dần.

Ðể có thể thực hiện được điều này một cách dễ dàng, ngay từ đầu mùa, nên chia khu vườn dành ra để trồng rau đậu làm bốn hay làm năm khu khác nhau. Mỗi một khu trồng một nhóm rồi mùa sau, trồng nhóm khác. Cứ như thế, nhóm thứ nhất sẽ trở lại khu thứ nhất sau bốn năm sau.

Tuy nhiên, có những loại cây trồng có thể không cần phải luân canh vì chúng chống lại các loại bệnh tật và côn trùng rất giỏi. Thí dụ, át ti xô (artichokes), asparagus.

Theo giới chuyên môn, nên chia các nhóm rau đậu thành từng nhóm tương cận với nhau, cùng chống lại được những thứ bệnh hay côn trùng giống nhau. Giả sử như nhà nào không có chỗ rộng dành để làm vườn, thay vì luân canh bốn năm, ba năm cũng còn tốt hơn là không thay đổi gì.

Một cách giản dị, nên trồng các loại đậu (peas, beans) chung với nhau thành một nhóm. Nhóm thứ hai là cải bắp, broccoli, củ cải đỏ, củ cải trắng. Nhóm thứ ba gồm hành, tỏi, zuchini, xà lát (lettuce), bí, bầu, mướp. Nhóm thứ tư gồm khoai tây, cà rốt, cần tây, cà chua. Nhóm thứ năm là loại cây có thể trồng vĩnh viễn, không phải đổi chỗ, như át-ti-xô (artichokes), măng tây (asparagus).

Hoặc nếu tính trồng luân canh 3 năm thì giới chuyên viên đề nghị nên chia thành các nhóm như sau:

Nhóm 1: các loại đậu (peas, beans), hành, tỏi tây, bắp (ngô), zuchini, xà lát, squashes, bí.

Nhóm 2: khoai, củ dền, củ cải, cà rốt, cà chua.

Nhóm 3: cải bắp, cải Brussels, broccoli, củ cải tròn (turnip), củ cải cay (radishes).

Nhóm 4: át-ti-xô, măng tây.

Ngoài lý do giúp cho các loại cây rau đậu dễ chống lại các loại bệnh tật và côn trùng, còn có những lý do khác để người ta nên trồng luân canh.

Một số loại cây chịu loại đất bón phân mới trong khi có những thứ cây không ưa. Vì vậy, thí dụ, nhóm cây trong đó có cải bắp có thể được trồng vào Mùa Xuân đầu tiên khi mà vào Mùa Thu trước đó, khi trời còn lạnh, phân mới đã được trộn xuống đất trước rồi. Tại luống đất này, mùa sau, không phải bón thêm phân gì cả, mà chỉ việc trồng các loại củ. Các loại cây củ không thích loại đất có quá nhiều phân bón.

Nói về việc trồng luân canh thì có vẻ dễ, nhưng trong thực tế, hoặc là quên, hoặc là bản tính lười đã làm cho người làm vườn tài tử nhiều khi không làm đúng những cái có thể tốt nhất cho cây trồng. Vài năm đầu có vẻ sốt sắng theo đúng được dự tính kế hoạch, nhưng rồi sau đó lại không nhớ, không làm đúng. Nhiều khi, cây già để ra hoa rồi hạt rớt xuống luống đó và năm sau nó tự động mọc lên, gây rối loạn cả kế hoạch luân canh.

Ở trong những luống đất trống rau đậu nho nhỏ của các gia đình, như trên mới nói, lý thuyết trồng luân canh thì dễ, nhưng vì chủ nhà thường là các tay nhà vườn “tài tử” trồng chơi, có thì ăn, nếu thất bại không lên cái gì cũng thôi. Làm vườn là một cái thú tiêu khiển hơn là nghĩ đến sự tiết kiệm tiền bạc đi chợ thực phẩm.

Chỉ có một ít đất trong vườn được dành ra để trồng rau trồng đậu, cho nên bảo rằng trồng luân canh thì chỉ có một chút đất cũng không có bao nhiêu tác dụng.

Lý do dễ hiểu. Trong những thửa vườn lớn trồng cấy qui mô, khoảng cách giữa các luống đất, khu đất khác nhau và cách xa nhau được chỉ định cho một số loại cây trồng. Cách biệt lớn nên các loại bệnh tật và côn trùng có thể tránh được một phần nhờ luân canh. Nhưng nếu chỉ là một miếng đất nhỏ rộng khoảng một hai cái chiếu và chủ nhà lại muốn trồng kiểu “mỗi thứ một tí, một vài cây” thì trồng “luân canh” không thực tế.

Nói như vậy, không có nghĩa trồng luân canh là không quan trọng. Nó có khá nhiều tác dụng. Thật ra, với những mảnh vườn nhỏ, chủ nhà cũng có thể thay đổi năm nay trồng một vài thứ này, sang năm trồng một vài thứ khác. Vừa thay đổi cây trồng vừa làm cho chuyện trồng luân canh cũng thực hiện được phần nào.

Hồ Ðiệp
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=59538&z=6